Đền Trung Liệt
System Admin
12/08/2024
376
Đền Trung Liệt
Đền Trung Liệt

Hà Nội[1] hay thành Thăng Long[2] xưa kia có rất nhiều sông và hồ thiên nhiên, nhưng chỉ có hai điểm cao hơn cả là Núi Nùng và Gò Đống Đa[3]. Núi Nùng Sông Nhị (Hà) tiêu biểu cho đất Thăng Long ngàn năm văn vật và Gò Đống Đa cho chiến thắng quân Thanh.

Vị trí Gò Đống Đa

Trước năm di cư (1954), khu vực Đống Đa thuộc Đại Lý Hoàn Long, được coi là ngoại ô Hà Nội (như Lăng Ông với Sài Gòn). Từ nội thành bằng đường Khâm Thiên qua ô Chợ Dừa, gò Đống Đa nằm bên phải. Đây cũng là khu vực Thái Hà Ấp với lăng Hoàng Cao Khải (1850-1933), Bắc Kỳ Kinh Lược Sứ, Khâm Sai đại thần (Pháp gọi là Phó Vương / Vice-Roi) rất qui mô, bề thế gần như Lăng vua chúa với đủ tượng đá quan quân, voi ngựa đứng chầu hai hàng trước mộ phần.

Theo Việt Sử: quân Tây Sơn sau khi hạ đồn Khương Thượng, tướng Thanh Sầm Nghi Đống thua chạy đến Đống Đa rồi thắt cổ chết. Sau cuộc đại thắng, vua Quang Trung lệnh cho thu dọn chiến trường, gom tất cả xác giặc chôn vào 12 gò gọi là “Kình Nghê quân” (gò chôn xác hai loại cá dữ ở biển). Qua năm tháng tất cả các gò đã bị soi mòn, san bằng không còn dấu tích. Sau này vì dân cư thường gặp nhiều hài cốt rải rác nên khoảng năm 1851 quan quân cho thu gom mang về Gò Đống Đa để chôn và đắp đất thêm nên Gò mới có chiều cao và diện tích lớn như hiện nay. Sát dưới chân Gò, một lạch (rạch) nước lớn được truyền tụng do máu giặc tạo thành. Người viết nghĩ điều này cần nhìn khoa học hơn vì Gò chỉ là nơi chôn xương cốt giặc nhiều năm sau chứ không phải là bãi chiến trường. Ngoài ra, cũng có thể khối đất đắp nên Gò được đào từ con lạch này chăng?

Vì Sầm Nghi Đống đã thắt cổ chết tại khu vực này, khiến nhiều người nghĩ lầm ngôi đền trên đỉnh Gò Đống Đa dựng để thờ Sầm Nghi Đống. Thật ra triều đình dù biết Sầm là tướng giặc, nhưng chết khí tiết, nhất là Hoa kiều tôn kính nên đã cho phép lập đền thờ (đền Sầm Công) khá bề thế trên con phố nhỏ (ngõ) mang cùng tên chạy song song với phố Hàng Buồm[4] (như Chinatown của Hà Nội). Cũng có người lại nghĩ đền thờ vua Quang Trung. Đây cũng là suy đoán không đúng vì dưới các trào vua đầu triều Nguyễn, thời gian đền được dựng, nhà Nguyễn Tây Sơn vẫn còn bị coi là “ngụy”, mồ mả anh em các Vua Tây Sơn còn bị khai quật, không lẽ đền dựng lên để thờ Quang Trung.

Kiến trúc đền Trung Liệt cũng giống như phần đông đền miếu cùng thời. Từ đường chính đi vào tới chân Gò khoảng hơn trăm thước. Rải rác khắp Gò, những cổ thụ rợp bóng, phần trên đỉnh là kiến trúc và khu đất nhỏ chung quanh. Vào những ngày nghỉ, thanh thiếu niên, học sinh thường đến cắm trại, họp bạn. Sườn Gò khá dốc, người hành hương, thăm viếng chỉ dùng những bậc gạch phía cổng chính từ đường vào.
Đền Trung Liệt tôn thờ ba vị anh hùng

Trước kia đền Trung Liệt ở khu Văn Tân (phố Nguyễn Khuyến) thờ ông Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Cao và có tài liệu thêm cả ông Đoàn Thọ và Trương Quốc Dụng. Khi Bắc Kỳ Kinh Lược Sứ Hoàng Cao Khải lập ấp Thái Hà đã cho dời đền về Gò Đống Đa[5] . Như vậy có thể do chính ông Hoàng Cao Khải hay con là Hoàng Trọng Phu, Tổng Đốc Hà Đông đã cho dựng đền và chỉnh trang khu vực này vì là phần đất thuộc tỉnh Hà Đông.

Danh xưng đền Trung Liệt phần nào đã nói lên khí phách, công nghiệp của các Vị được tôn thờ. Hai ông Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu có công giữ thành Hà Nội, đều tuẫn tiết khi thành vào tay giặc và Nguyễn Cao, anh hùng phong trào kháng Pháp đã chọn cách chết vì nước oai hùng chưa hề có trong lịch sử.

NGUYỄN TRI PHƯƠNG (1800-1873) nguyên danh là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên người tỉnh Thừa Thiên. Sau này vua Tự Đức mới cải danh ông thành Nguyễn Tri Phương. Suốt đời ông xông pha, đánh đông dẹp bắc, thăng quan giáng chức nhưng vẫn một lòng vì nước. Ngày rằm tháng mười năm Qúi Dậu (20-11-1873) Pháp đánh thành Hà Nội (lần thứ nhất), mặc dù triều đình chủ hòa, một số tướng tá bỏ trốn, theo giặc, ông vẫn lên thành đích thân đốc thúc quân sĩ chống cự. Bị thương nặng và bị Pháp bắt mang xuống tàu, ông cương quyết không để cứu chữa, tuyệt thực đến chết. Cùng ngày, con trai là Phò Mã Nguyễn Lâm và trước kia trong trận đồn Kỳ Hòa, em ông là Nguyễn Duy đều tử trận.

HOÀNG DIỆU (1828-1882) tự là Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai người gốc Quảng Nam, nguyên danh là Hoàng Kim Tích, 25 tuổi đậu Phó Bảng. Ông cũng từng chiến trận, trấn nhậm nhiều địa phương, thăng giáng nhiều lần, đương nhậm tổng đốc Hà-Ninh (Hà Nội - Bắc Ninh). Tám giờ sáng 25-4-1882 sau tối hậu thư Pháp tấn công, Hoàng Diệu lên mặt thành đốc binh chiến đấu dù số đông các quan bỏ trốn, hàng giặc. Sau liệu thế không chống nổi, ông cắn ngón tay lấy máu viết di biểu tạ tội: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng...”[6] rồi đến võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ chết theo thành.

Sự tuẫn tiết trên đây của hai vị anh hùng Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu đã lẫm liệt, nhưng dù sao cũng là sự đền nợ nước của vị tướng quân đang mang trọng trách, trước trận tiền. Anh hùng Nguyễn Cao cùng được tôn thờ tại đền Trung Liệt ở cương vị khác nhưng cũng chọn cái chết oanh liệt chưa tùng thấy trong lịch sử.

NGUYỄN CAO ( ...- 1887) người làng Cách Bi, tỉnh Bắc Ninh, đậu Giải Nguyên khoa Đinh Mão (1867), sung chức Bố Chánh Thái Nguyên. Ứng hịch Cần Vương, từ quan tham gia phong trào chống Pháp của Tán Quân Nguyễn Thiện Thuật tại Bãi Sậy, đã tập kích Pháp vào tận khu Đồn Thủy (Hà Nội). Sau thế yếu, ông thay tên đổi họ về quê dạy học đợi thời cơ. Có tài liệu nói ông bị Pháp bắt ngày 4-4-1887 và xử chém chiều 14-4 lúc ông 59 tuổi. Cũng có tài liệu khác đáng tin cậy hơn: Pháp trọng nghĩa khí của ông và muốn chiêu dụ giới sĩ phu, ủy cho Hoàng Cao Khải mời ông cộng tác, cũng giống như với Tam Nguyên Yên Đỗ. Trước mặt Thống Sứ Pháp và Kinh Lược Hoàng Cao Khải, ông đã dứt khoát cự tuyệt. Khi thấy chiêu dụ không lay chuyển được, chúng phô bày các hình cụ ý có ý dọa nạt và chê trách ông đã trái mệnh vua (Đồng Khánh) không bãi binh. Ông Nguyễn Cao thản nhiên nói: “Đừng dọa ta, để ta chết cho các ngươi xem”, nói xong lấy móng tay cấu bụng, từ từ lôi ruột ra rồi nói tiếp: “Ruột ta đây, bay hãy chỉ cho ta đọan nào là bất trung”. Pháp đem cấp cứu nhưng ông không chịu băng bó, nằm chờ chết. Phu nhân Nguyễn Cao ở quê, nghe tin ông tuẫn tiết cũng nhẩy xuống ao trầm mình chết theo.

Nếu như Hoàng Cao Khải đã cho dời đền Trung Liệt đến Gò Đống Đa để có địa điểm, kiến trúc uy nghi xứng đáng hơn, có thể cũng là cách ông muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với những vị anh hùng chống Pháp dù ông đã mang tiếng thuộc thành phần hợp tác với giặc chăng? Cũng như vậy, khi trí sĩ (1902) ông còn trước tác rất nhiều sách về sử học và đề cao trung nghĩa.[7]

Nguyễn Đình Phúc - Xuân Ất Dậu (2005) 

 

Chú thích

1. Địa danh Hà Nội do vị trí thành phố nằm phía trong (nội) sông Hồng Hà
2. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ động Hoa Lư ra thành Đại La (1010), nhân thấy rồng vàng bay lên, cho là điềm lành đã đổi thành Thăng Long. Sau này vua Gia Long chọn Huế làm đế đô nhưng sợ mất lòng sĩ phu Bắc Hà vẫn gọi là Thăng Long nhưng đổi chữ Long mang nghĩa thịnh vượng, may mắn (sinh ý hưng long) không dùng chữ Long là rồng như chữ xưa kia.
3. Ngoài ra, trong Lăng Hoàng Cao Khải cũng có một gò đất cao gần như gò Đống Đa tuy nhỏ hơn, chắc cũng được đắp lên để địa thế cân xứng với hồ sen phía trước Lăng.
4. Phố Hàng Buồm (tên Pháp Rue des voiles) ngoài nghĩa nơi buôn bán một mặt hàng (buồm) còn tài liệu cho là dùng cánh buồm (la voile) tượng trưng cho con tàu (le bateau) (La voile c’est le bateau) nên ta gọi người Hoa là người Tàu, hay Khách trú vì họ đã dùng tàu (ghe) từ chính quốc đến trú ngụ (Khách).
5. Phố Hàng Buồm (tên Pháp Rue des voiles) ngoài nghĩa nơi buôn bán một mặt hàng (buồm) còn tài liệu cho là dùng cánh buồm (la voile) tượng trưng cho con tàu (le bateau) (La voile c’est le bateau) nên ta gọi người Hoa là người Tàu, hay Khách trú vì họ đã dùng tàu (ghe) từ chính quốc đến trú ngụ (Khách).
6. Việt Sử Toàn Thư (trang 658) của Phạm văn Sơn.
7. Đoạn cuối của bài viết đã được di chuyển bởi thành viên hanoi.


Đền Trung Liệt trước kia ở thôn Văn Tân (nay là phố Nguyễn Khuyến). Đến cuối thế kỷ XIX, đền được dời đến Gò Đống Đa, 1 trong 13 gò ở vùng này đắp trên 13 gò mộ chôn xác quân Thanh mùa Đền Trung Liệtxuân năm 1789, trong trận quân Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy từ Nam ra giải phóng thành Thăng Long.

Đền Trung Liệt trước kia có cổng tam quan và được xây trên sườn Gò Đống Đa. Hiện nay, đền đã hư hại nhiều, bị phá bỏ nên chỉ còn lại bờ tường cổng tam quan, trên có đề 3 chữ Hán: “Trung Liệt miếu”, và hai bên cổng có đôi câu đối:

Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần, dư xích địa
Vị nhật tinh, vị hà nhạc, thập niên tâm sự công thanh thiên.

Tạm dịch:

Ấy thành quách, ấy núi sông, trăm trận phong trần, dư thước đất
Vì trời sao, vì sông núi, mười năm tâm sự với vòm xanh

Đền Trung Liệt được lập nên đầu tiên để thờ Lê Lai, người có công hiến thân mình cứu Lê Lợi thoát chết. Sau đó, đền còn thờ thêm Nguyễn Tri Phương – tướng giữ thành Hà Nội, năm 1872, bị giặc Pháp bắt và dụ dỗ đầu hàng nhưng ông đã nhịn ăn để chết theo thành và Hoàng Diệu – Tổng đốc Hà Nội, năm 1882 khi thành Hà Nội thất thủ vào tay giặc Pháp, đã thắt cổ tự tử. Đền còn thờ cả Trương Đăng Quế và Đoàn Thọ Lang, hai vị quan có công với triều Nguyễn. Đến thời Pháp tạm chiếm Hà Nội, năm 1946-1954, đền được đặt thêm bài vị thờ vua Quang Trung. Cũng vì thế khi đến đây, người lạ thường cho là đền Trung Liệt chỉ thờ có Quang Trung, người chiến thắng lừng lẫy quân Thanh mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

Đền Trung Liệt hiện nằm trong khu vực Tượng đài Quang Trung trên gò Đống Đa lịch sử.

Theo Hà Nội - Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh thắng, Doãn Đoan Trinh, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2002, tr692-693

Bài Viết Liên Quan
Di tích quốc gia thành Điện Hải bị xâm hại
Mới đây, một lần nữa người ta lại phát hiện súng thần công và nhiều hiện vật quý giá khác ở độ sâu trên 3m ở phía tây chân thành Điện Hải (Đà Nẵng). Phát hiện trên cho thấy, có thể còn nhiều di vật khác bị chôn vùi tại khu di tích lịch sử quốc gia này và cần có một cuộc thăm dò khảo cổ học quy mô lớn...
Hoài niệm bánh tẻ Cầu Liêu
Bánh tẻ Cầu Liêu (Thạch Thất, Hà Nội) xưa chỉ to bằng con bông kéo sợi. Lịch sự thì khách bóc để ra đĩa, lấy con dao bằng nứa khía hai nhát là vừa miếng, không thì cầm tay bóc lá, ăn dần… Loại bánh này nay chỉ còn trong ký ức.
Vinh danh gốm Giang Cao - Bát Tràng trên 'Con đường gốm sứ'
Đoạn tranh Làng nghề truyền thống Giang Cao - Bát Tràng có độ dài 35 m, tổng diện tích 70m2 , trên công trình nghệ thuật con đường gốm sứ ven sông Hồng đã được khánh thành sáng nay (1/10).
Có Thể Bạn Thích
Tưởng nhớ danh tướng Nguyễn Tri PhươngOct 05,2023
Sự kiệnTưởng nhớ danh tướng Nguyễn Tri Phương

TTH.VN - Ngày 12/12, tại Nhà thờ Tam công Nguyễn Tri Phương (thôn Trung Thạnh, xã Phong Chương, huyện Phong Điền), Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã Phong Chương, huyện Phong Điền tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày mất danh tướng Nguyễn Tri Phương (1873 - 2023).

Nội dung
Dâng hương danh tướng Nguyễn Tri Phương và giới thiệu súng thần công mới được phát hiệnJul 25,2023
Sự kiệnDâng hương danh tướng Nguyễn Tri Phương và giới thiệu súng thần công mới được phát hiện

ĐNO – Nhân kỷ niệm 161 năm ngày Đà Nẵng mở đầu mặt trận kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1-9-1858 – 1-9-2019), sáng 31-8, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức Lễ dâng hương danh tướng Nguyễn Tri Phương và các nghĩa sĩ hy sinh trong buổi đầu Đà Nẵng kháng Pháp (1858-1860) và giới thiệu súng thần công vừa được phát hiện tại Đà Nẵng.

Nội dung
Nơi an nghỉ của danh tướng Nguyễn Tri PhươngJul 12,2023
Sự kiệnNơi an nghỉ của danh tướng Nguyễn Tri Phương

Hy sinh khi giữ thành Hà Nội, danh tướng Nguyễn Tri Phương cùng con trai được đưa về an táng tại quê nhà, Thừa Thiên- Huế.

Nội dung