Đứt ruột nhìn con thơ lâm trọng bệnh
System Admin
12/08/2024
117
Đứt ruột nhìn con thơ lâm trọng bệnh
Đứt ruột nhìn con thơ lâm trọng bệnh

(Dân trí) - “Bố mẹ ơi! Cứu con! Con đau quá!” - Mỗi lần nghe tiếng rên vón cục trong cổ họng cậu con trai út, vợ chồng anh Nguyễn Tri Sáng như đứt từng khúc ruột. Căn nhà nhỏ tắt hẳn tiếng cười từ ngày cháu Nguyễn Tri Nhân mắc bệnh nhiễm trùng máu.

Vợ chồng anh Sáng túc trực bên giường bệnh cháu Nhân không kể đêm ngày.
Vợ chồng anh Sáng túc trực bên giường bệnh cháu Nhân không kể đêm ngày.

“Giá như được mang bệnh thay con, đau đớn thay con, vợ chồng em cũng cam lòng. Cháu còn bé quá! Thực sự vợ chồng em chẳng biết phải làm sao?” - lời tâm sự của chị Lương Thị Sâm (1970) đứt quãng bởi dòng nước mắt.

Mới 9 tuổi đầu, nhưng cháu Nguyễn Tri Nhân (2001) đã gắn mình trên giường bệnh hơn 4 năm nay. Mọi bi kịch bắt đầu từ một nốt hạch nhỏ xuất hiện ở cổ năm Nhân bốn tuổi. Kết quả xét nghiệm cho thấy: cháu mang “Hạch phản ứng”. Tri Nhân bước vào phòng mổ lần đầu tiên khi chưa đầy 5 tuổi. Sau phẫu thuật, bệnh tình có phần thuyên giảm. Tưởng chừng mọi nỗi đau đã qua, nhưng một năm sau nốt hạch phản ứng tái phát. Hạt hạch bé bằng hạt đậu giờ lớn hơn trước, kéo theo cơn đau dai dẳng. Lúc bạn bè háo hức với kì nghỉ hè cũng là thời điểm Nhân bước vào ca phẫu thuật lần 2. Bệnh tật vẫn bám riết cậu bé. Trở về nhà sau phẫu thuật được một thời gian ngắn, Nhân lại phát bệnh. Lần thứ 3 đem con nhập viện, vợ chồng anh Sáng nhận tin sét đánh. Các xét nghiệm cho thấy: Nhân bị nhiễm trùng máu. Giờ đây, các nốt hạch đã theo đường máu chạy vào ổ bụng, xuất hiện khắp thân thể cháu.

Dù nghèo khó, vợ chồng anh Sáng vẫn cứng cỏi quyết tâm “đưa con từ cõi chết trở về”. Nghe đồn đại ở đâu có bác sĩ giỏi, hai vợ chồng lại khăn gói ôm con lên đường. Mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình đầy nước mắt. Anh Sáng vẫn nhớ như in lần đưa cháu vào Sài Gòn chữa trị. Trên đường đi, cơn đau khiến cháu ngất lịm. Vợ chồng anh khản họng, lay gọi con… Chủ xe thấy thế “hầm hầm sát khí” đuổi cả nhà xuống đường, bởi “nhỡ cháu chết trên xe thì tiệt đường làm ăn”. Năm ngoái, tiền mua thuốc hết nhẵn, anh chị buộc lòng bán đôi nhẫn cưới, rồi chiếc vòng bà nội để lại… “Giờ mà, có ai mua hai vợ chồng em. Hai vợ chồng cũng đồng ý bán để chữa bệnh cho con”, giọng anh Sáng nghẹn đắng.

Tháng kề tháng ròng rã trôi, bệnh tình Tri Nhân chẳng mấy thuyên giảm. Lục đi, lục lại, số tiền trong túi còn vài tờ cuối cùng, anh chị bồn chồn lo lắng. Chị Sâm run run tâm sự: “Chồng em làm nghề lái xe ôm. Em thì chỉ buôn bán nhỏ. Nuôi ba con ăn học đã khó, đằng này…”.

Bốn năm rong ruổi theo con đến khắp các bệnh viện lớn nhỏ, anh chị chẳng kiếm ra một đồng. Số tiền chữa bệnh cho cháu đều từ những lần lạy lục vay mượn, sự giúp đỡ của bà con xóm giếng... Niềm hi vọng về ngày con khỏe mạnh bị thực tế nghiệt ngã dội gáo nước lạnh. Bao lần, chị Sâm, anh Sáng quỳ lạy dưới chân những người cho vay nặng lãi. Nhưng, chẳng ai đủ lòng tốt để cho “cái gia đình gặp vận mạt” vay tiền. Tài sản đáng giá trong nhà lần lượt “đội nói ra đi”, sổ đỏ chẳng có, sổ hộ nghèo lại không thể đưa ra cầm cố..., mọi con đường đều đẩy hai vợ chồng đến ngõ cụt.

Mỗi ngày, Nhân lên cơn đau khoảng 2, 3 lần. Có khi cơn đau kéo dài từ đầu hôm đến tảng sáng. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, những liều thuốc cũng “chẳng đủ sức” giúp Nhân chống chịu từng cơn đau.

 

Hơn bốn năm nay, ao ước “có một điều kì diệu nào đó sẽ đến với con” luôn thường trực trong lòng hai vợ chồng. Nhưng, “điều kì diệu ấy” ngày càng xa vời khi cháu không bác sĩ, không một phương tiện chữa trị hiện đại…

Sự sống của Tri Nhân giờ đây dựa vào mấy thang thuốc Nam, bình khí Oxy, mấy liều thuốc giảm đau… và tình thương của bố mẹ, hai chị, láng giềng.

Anh Nguyễn Tri Sáng - chị Lương Thị Sâm: thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.


 

Cậu bé 9 tuổi Nguyễn Tri Nhân đã ra đi mãi mãi

(Dân trí) - Bốn năm đứt ruột nhìn con thơ lâm trọng bệnh. Bốn năm rong ruổi khắp các bệnh viện lớn bé. Bốn năm còng lưng vay mượn từng đồng để điều trị cho con. Bốn năm hi vọng để rồi thất vọng… Nhưng số phận lại trớ trêu, cháu Nguyễn Tri Nhân đã ra đi.

Dẫu chuẩn bị tinh thần từ khá lâu, vợ chồng anh Nguyễn Tri Sáng (1964) vẫn không khỏi bàng hoàng trước sự ra đi của con. “Cháu ra đi lúc cả nhà không ai ngờ đến. Mấy hôm nay, cháu ngủ ngon hơn. Các cơn đau cũng bỗng nhiên thưa hẳn. Vợ chồng em còn chưa kịp mừng…”, chị Nguyễn Thị Sâm (1970) ôm ảnh con khóc nức nở.

Cả gia đình sát cánh bên Tri Nhân đến khi em trút hơi thở cuối cùng.
Cả gia đình sát cánh bên Tri Nhân đến khi em trút hơi thở cuối cùng.

Phân nửa cuộc đời cháu Nguyễn Tri Nhân gắn với bệnh tật. Chuỗi ngày em quằn quại với từng cơn đau bắt đầu từ một nốt hạch phản ứng xuất hiện ở cổ. Vợ chồng anh Nguyễn Tri Sáng “lao tâm, khổ tứ” ôm con chạy chữa khắp nơi. Nhưng qua hai lần phẫu thuật, “tin sét đánh” vẫn vang lên bên tai đôi vợ chồng kham khổ: cháu Tri Nhân mắc bệnh nhiễm trùng máu. Từ nốt hạch bé bằng hạt đậu ban đầu, giờ đây, các nốt hạch xuất hiện ngày một nhiều, theo đường máu chạy vào ổ bụng, mọc hai bên háng, nách, cổ…

Tình thương con vô bờ bến vẫn bền bỉ trong lòng vợ chồng anh Nguyễn Tri Sáng. Anh chị quyết tâm bám trụ chữa bệnh cho con. Tiền trang trải các chi phí chữa trị lên đến trăm triệu, nên anh chị phải vay nóng khắp nơi, tài sản nào có giá trị đều bị đưa ra cầm cố cả…

Nhưng, ngày anh chị “sức cùng, lực kiệt” rồi cũng đến. Vợ chồng anh Nguyễn Tri Sáng phải ghìm lòng đưa con về nhà. Nỗi đau nhân lên bội phần trong lòng anh chị. Mỗi ngày cháu Nguyễn Tri Nhân chống chọi từng cơn đau, là một ngày lòng vợ chồng anh Sáng như bị kim châm, lửa đốt… Tâm khảm đôi vợ chồng nghèo vẫn đau đáu hi vọng đến ngày kiếm được đồng tiền để tiếp tục đưa con vào viện điều trị.

Thế nhưng, hi vọng sớm tắt. Sáng 12/3/2010, cháu Nguyễn Tri Nhân nhắm mắt từ trần. Cháu ra đi khi vợ chồng anh Nguyễn Tri Sáng chưa kịp gom góp, vay mượn đủ tiền để cháu tiếp tục nhập viện.

Từ nay, sẽ không còn những đêm thức trắng cùng đau nỗi đau của con, chẳng còn những ngày tháng ngắn dài nước mắt đưa cháu đến các bệnh viện…, chỉ còn nỗi đau dai dẳng giày xéo hai tâm hồn.

Related Posts
Có Thể Bạn Thích
testOct 05,2023
Eventtest

Detail
Dấu ấn Huda trong Festival nghề truyền thống HuếJul 25,2023
EventDấu ấn Huda trong Festival nghề truyền thống Huế

"Website được xây dựng trên ý thức tự nguyện, phi lợi nhuận của cá nhân Nguyễn Tri Huy , trên hết là để báo hiếu, thứ đến là muốn góp phần củng cố tinh thần đoàn kết trong hệ tộc và tạo nên một công cụ giúp bà con trong hệ tộc cập nhật thông tin một cách nhanh nhất.Tuy website vẫn chưa chính thức được xem như một 'cổng thông tin điện tử' của hệ tộc nhưng mong rằng đây sẽ là một cầu nối chính thức

Detail
Dấu ấn Huda trong Festival nghề truyền thống HuếJul 12,2023
EventDấu ấn Huda trong Festival nghề truyền thống Huế

"Website được xây dựng trên ý thức tự nguyện, phi lợi nhuận của cá nhân Nguyễn Tri Huy , trên hết là để báo hiếu, thứ đến là muốn góp phần củng cố tinh thần đoàn kết trong hệ tộc và tạo nên một công cụ giúp bà con trong hệ tộc cập nhật thông tin một cách nhanh nhất.Tuy website vẫn chưa chính thức được xem như một 'cổng thông tin điện tử' của hệ tộc nhưng mong rằng đây sẽ là một cầu nối chính th

Detail