Tên cũ của ông là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đồng Xuyên. Ông sinh ngày 21/7/1800 (Canh Thân), quê ở làng Đường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên (nay là làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Nguyễn Tri Phương xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp và làm nghề thợ mộc. Cha ông là Nguyễn Văn Đảng - một nhà nho tính tình chất phác, đôn hậu, thường cứu giúp những người nghèo khổ trong xóm làng nên được nhiều người yêu mến và quý trọng.
Năm Canh Tuất 1850, vua Tự Đức phê chuẩn cải tên ông là Nguyễn Tri Phương. Từ đó Nguyễn Tri Phương trở thành tên chính của ông. Tuy ông không có danh vị học vấn khoa bảng như các vị đại thần khác, nhưng nhờ ý chí tự lập và tinh thần yêu nước sâu sắc nên ông đã làm nên sự nghiệp lớn cho giang sơn, Tổ quốc.
Nguyễn Tri Phương là vị Tổng chỉ huy quân đội triều Nguyễn chống giặc Pháp xâm lược trên khắp ba miền đất Việt như ở mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Ở mặt trận nào ông cũng thể hiện vai trò chỉ huy mưu lược và dũng cảm trước kẻ thù xâm lược. Do đó, qua ba triều vua Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), ông được thăng nhiều chức vị quan trọng như: Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng đề bạt ông làm Điển bộ (Bí thư ở Nội điện), năm sau thăng Tu soạn, rồi Thừa chỉ ở Nội các. Hai năm sau thăng Thị độc, Thị giảng học sĩ; năm 1831 thăng Hồng Lô tự khanh.
Năm 1832, ông được sung vào phái bộ sang Trung Quốc về việc thương mại. Năm 1835, Nguyễn Tri Phương nhận lệnh vua Minh Mạng vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng đất mới khai hoang. Việc thành công ông được thăng hàm Thị lang.
Năm 1840, ông được bổ làm Tuần phủ Quảng Nam - Quảng Ngãi, trông coi bố phòng cửa biển Đà Nẵng. Công việc hoàn thành tốt đẹp, ông được triệu về kinh thăng Tham tri bộ Công; sau lại được vua Thiệu Trị cử làm Tổng đốc An Hà (An Giang - Hà Tiên). Tại đây, ông dẹp tan các toán giặc cướp nước ngoài vào quấy phá. Sau đó, ông được cải bổ làm Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long và Định Tường) kiêm Khâm sai quân thứ đại thần, Hiệp Biện Đại học sĩ rồi được thưởng danh hiệu "An Tây trí dũng tướng".
Năm 1845, ông cùng với Doãn Uẩn đánh bại quân Xiêm La của tướng Bodin, bình định Cao Miên, ổn định hoàn toàn vùng biên giới Tây Nam thuộc miền Tây Nam bộ.
Tháng 5 năm 1847, ông được triệu về kinh, thăng hàm Chánh Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Thượng thư bộ Công đại thần Cơ mật viện, tước Tráng Liệt tử và được ban một Ngọc bài có khắc bốn chữ "Quân kỳ thạc phụ", được chép công trạng vào bia đá ở Võ miếu (Huế). Năm 1848, vua Tự Đức phong tước cho ông là Tráng Liệt bá.
Năm 1850, ông được sung chức Khâm sai Tổng thống Quân vụ Đại thần các tỉnhGia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên.
Năm 1853, ông được thăng lên chức Điện hàm Đông các Đại học sĩ, rồi lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ. Trong thời gian này, ông có công lập được nhiều đồn điền, khai khẩn đất hoang, dân cư ở địa phương được an cư lập nghiệp.
Năm Mậu Ngọ (1858), thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Đà Nẵng. Vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương làm Quân thứ Tổng thống đại thần trực tiếp chỉ huy quân đội chống giặc. Với vũ khí tối tân, Pháp đã uy hiếp và phá hủy một số lớn đồn lũy của ta, ông bị triều đình giáng cấp nhưng vẫn lưu tại chức. Năm 1860, ông được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ cùng với Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam. Tại đây ông xây dựng đại đồn Chí Hòa để chống giặc Pháp xâm lược. Ngày 25-10-1861, Pháp công phá đại đồn. Nguyễn Tri Phương đã chỉ huy quân lính chống cự quyết liệt nhưng rồi ông bị thương, đại đồn thất thủ, Gia Định bị giặc chiếm. Ông bị cách chức xuống làm Tham tri, qua năm sau được khôi phục làm Binh bộ Thượng thư vào Nam Kỳ cứu vãn tình hình.
Năm 1862, sau khi triều đình Huế ký hàng ước, ông được cử ra Bắc làm Tổng thống Hải An quân vụ và được thăng chức Võ hiển Đại học sĩ, tước Tráng Liệt bá. Năm 1872, ông được điều về giữ chức Tuyên sát Đổng sức đại thần, thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ.
Năm 1873, Soái phủ Nam Kỳ phái Francis Garnier đem quân ra Hà Nội, lấy cớ giúp thương nghị sự tranh cãi giữa tay lái buôn Jean Dupuis và chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ. Garnier chuyển quân ra bắc thành hai đợt, đợt đầu 83 lính, đợt hai thêm 88 lính và hai pháo thuyền thực hiện ý đồ đánh chiếm thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương được triều đình phái làm Tổng đốc, giữ thành Hà Nội.
Nguyễn Tri Phương đến Hà Nội ngày 27-5-1873. Việc đầu tiên ông làm là cho Vũ Đường đi gặp J. Dupuis ở nhà hội quán Quảng Đông trách hắn làm trái lệnh của các nhà đương cục Việt Nam và yêu cầu hắn phải khai số người và vật dụng đem theo để tiện việc khám xét. J. Dupuis không chịu, y còn yêu cầu ta phải cho y được tự do thông thương. Cuộc thương lượng không được, Nguyễn Tri Phương đành phải dùng biện pháp cứng rắn. Ông cho dán bố cáo cấm không cho thuyền muối của J. Dupuis đi Vân Nam, cấm người Việt Nam liên hệ và yêu cầu hắn phải lập tức rời khỏi Hà Nội. Tuy nhiên, với lực lượng quân sự trong tay, hắn không những không rời Hà Nội, mà còn cho người đi bóc tờ bố cáo và đem chiếc lọng che tờ bố cáo đi diễu qua các phố rồi đốt đi. Mặt khác, J. Dupuis vẫn cho đoàn thuyền muối đi Vân Nam, bỏ qua sự cấm đoán của ta.
Nguyễn Tri Phương không chịu để hắn hoành hành. Một mặt, ông ra lệnh cho các đồn dọc sông bắn vào đoàn thuyền muối buộc chúng quay trở về Hà Nội; mặt khác, ông cho thi hành nhiều biện pháp mạnh mẽ như: lập thêm đồn binh dọc sông Hồng, cho người phục bắt quân lính của J. Dupuis, cho thả bè có chất dẫn hỏa để đốt tàu của hắn… Để đối phó lại, J. Dupuis lập tức cho người đi yêu cầu Tổng đốc Lưỡng Quảng và Thống đốc Sài Gòn can thiệp. Tại Hà Nội, hắn ngang nhiên cho kéo cờ Pháp lên thay cho cờ Vân Nam, đồng thời cho quân có vũ trang đi tuần các khu phố để bảo vệ cho người của hắn khỏi bị bắt cóc, cho quân đi bắt các nhà chức trách Việt Nam tỏ ý chống cự hắn, cho bắt thuyền gạo công của ta để trả thù ta bắt người của hắn…
Lúc này tình hình Hà Nội rất căng thẳng. Mặc dù J. Dupuis luôn luôn lấn tới nhưng Nguyễn Tri Phương vẫn không dám công khai tiêu diệt hắn, vì sợ trái lệnh của triều đình.
Về phần triều đình nhà Nguyễn, sau khi nhận được thư của Tổng đốc Lưỡng Quảng, đành phải ra lệnh cho Nguyễn Tri Phương để J. Dupuis được tự do đem đoàn thuyền muối của hắn đi Vân Nam. Thắng thế, tên này trong khi đi Vân Nam đã ngang nhiên hăm dọa các đồn binh Việt Nam ven sông, phá các kè ngăn sông, bắn giết một số dân phu đang xây đắp đồn lũy.
Triều đình nhà Nguyễn yêu cầu Thống đốc Sài Gòn cho người ra Hà Nội bắt J. Dupuis phải đi khỏi Hà Nội. Thống đốc Sài Gòn chỉ chờ có thế, và dịp hành động đã đến. Hắn nhanh chóng cho đại úy thuỷ quân Francis Garnier đem 180 quân ra Bắc Kỳ. Lúc đầu Garnier đưa ra nhiều yêu sách với mục đích đe dọa, gây áp lực nhằm làm cho Nguyễn Tri Phương và quân sĩ nhụt ý chí chiến đấu mà bỏ thành cho giặc Pháp. Nhưng các yêu sách của hắn không những không làm cho Nguyễn Tri Phương lo sợ mà càng làm cho ông và binh sĩ càng quyết tâm sắt đá chống giặc quyết liệt hơn.
Thấy yêu sách của mình thất bại, 6h sáng ngày 20-11-1873, Garnier đã lệnh cho quân của J. Dupuis đánh vào cửa Đông và cửa Bắc; quân của hắn thì đánh vào cửa Đông Nam, Tây Nam và Tây; bản thân Garnier trực tiếp chỉ huy đánh cửa Đông Nam thành Hà Nội. Hà thành khi ấy là một thành lũy kiên cố, được xây dựng từ 70 năm trước, dưới thời vua Gia Long. Thành có hình chữ nhật, mỗi chiều dài chừng nửa dặm, tường thành xây bằng đất, bao bọc xung quanh bằng gạch. Thành có 5 cửa, được trấn giữ bởi hai tháp canh. Bao quanh thành là một hào nước rộng, mỗi cửa được nối với bên ngoài bằng một cây cầu.
Trong thành có một số lượng khá lớn binh lính, nhưng họ được trang bị rất thô sơ, đa phần chỉ là gươm, giáo, mác. Một số ít được trang bị súng hỏa mai, nhưng không được huấn luyện kỹ để sử dụng. Trên mặt thành có súng thần công nhưng cũng không phát huy được hỏa lực.
Garnier cho pháo thuyền luồn xuống hai cổng thành phía Nam, điều toán lính tinh nhuệ nhanh chóng vượt qua cầu để tiếp cận cổng thành. Khi quân của Nguyễn Tri Phương trên thành phát hiện ra bắn xuống thì đã quá muộn. Quân Pháp đã qua khỏi tầm bắn phòng thủ của quân ta.
Trong lúc binh lính Pháp chuẩn bị tiếp cận cổng thành, pháo thuyền Pháp nã đạn liên tiếp phá vỡ cổng thành phía Nam. Hỏa lực đạn pháo khiến thành lũy Hà Nội rung chuyển. Lúc đầu quân ta chiến đấu rất kiên cường. Nhưng khi các cửa thành đã bị phá thì các quan có trách nhiệm giữ thành như Tổng đốc Bùi Đức Kiên, án sát Tôn Thất Trác đều bỏ chạy. Quân sĩ hoang mang cũng bỏ chạy. Nguyễn Tri Phương bị một mảnh đại bác xuyên vào bụng, bị thương nặng.
Chỉ sau 1 giờ, quân Pháp với sự trợ thủ của pháo thuyền hiện đại, có sức công phá lớn đã chiếm được thành Hà Nội, bắt làm tù binh hơn 2.000 lính nhà Nguyễn.
Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị quân Pháp bắt ngày 20-11-1873. Quân Pháp tìm cách chạy chữa hòng mua chuộc ông vì nếu Nguyễn Tri Phương quy thuận, chúng sẽ dễ dàng đạt được mục đích chiếm lĩnh nước Nam hơn.
Nguyễn Tri Phương từ chối yêu cầu của chúng, ông quyết định tuyệt thực tuẫn tiết để khẳng định tinh thần bất khuất của người Việt Nam trước giặc ngoại xâm. Lời đáp trả đanh thép của ông trước quân giặc càng thổi bùng lên tinh thần "vì việc nghĩa" ở khắp nước Nam "Bây giờ nếu ta chỉ lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa".
Sau đó, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tuyệt thực nhiều ngày rồi qua đời, để lại sự tiếc thương vô hạn cho các quan, dân và sĩ phu cả nước nói chung và Hà thành nói riêng. Niềm tiếc thương ấy được hun đúc thành ý chí quật cường, quyết tâm quét sạch ngoại xâm trên toàn cõi nước Nam.
Người dân Hà Nội càng sôi sục căm thù, nhất tề đứng lên khởi nghĩa chống Pháp. Chiếm thành Hà Nội được một năm, quân Pháp liên tục phải đối mặt với những cuộc nổi dậy của nhân dân và sĩ phu của ta. Trong cuộc nổi dậy ở Cầu Giấy do Tôn Thất Thuyết và Hoàng Tá Viêm dẫn đầu, quân Pháp trúng kế rơi vào ổ phục kích, bị tiêu diệt gọn. Garnier bị giết tại trận. Tàn binh Pháp lui về cố thủ trong thành. Sau trận Cầu Giấy, Pháp buộc phải ký hiệp ước ngày 05-01-1874 trả lại thành Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định và chỉ lập một cơ quan Công sứ ở Hải Phòng.
Nguyễn Tri Phương làm quan cho nhà Nguyễn 53 năm. Trong suốt thời gian đó, ông chỉ huy quân sĩ tác chiến 6 lần (từ năm 1836 tới năm 1873). Trong đó, có 5 lần ông đều giữ chức Tổng đốc quân vụ (nghĩa là Tổng chỉ huy mặt trận). Nhưng đối với ông, có lẽ ba lần cầm quân oanh liệt nhất đó là các lần cầm quân đánh Pháp ở Đà Nẵng, Sài Gòn và giữ Thành Hà Nội.
Nguyễn Tri Phương là một biểu hiện về đức độ xuất phát từ chủ nghĩa nhân đạo, vị tha truyền thống; xuất phát từ chữ nhân, chữ nghĩa. Quan điểm nhân sinh, chính trị vì nước, vì dân của Nguyễn Tri Phương thể hiện một cách toàn diện, sâu sắc và xuyên suốt trong tất cả các đường lối, chủ trương, hành động, quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội của ông mà nội dung chủ yếu nhằm phục vụ người dân.
Đại danh tướng Nguyễn Tri Phương là một người có đức, có tài, được nhân dân và nhiều viên quan nhà Nguyễn tôn vinh, kính phục. Mặc dù trong cuộc đời làm tướng xông pha trận mạc của ông có lúc thành, lúc bại nhưng ông vẫn bình tĩnh, vững vàng ý chí, tinh thần của một vị tướng danh giá, tin cậy của nhân dân và triều đình. Ông là một vị đại thần thanh liêm, thẳng thắn, đối với ông "chức vị là tạm thời mà tình người là vĩnh viễn". Cho nên ông vẫn kiên trung với sự nghiệp vì nước, vì dân của mình. Ông xứng đáng là một đại danh thần được đất Thăng Long - Hà Nội và cả nước Việt Nam đời đời tri ân, tưởng nhớ.
Trích nguồn: Nguyễn Tri Phương - Vị Tổng đốc quyết liệt chống Pháp giữ thành Hà Nội (baotanglichsu.vn)
Link bài gốc: https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3098/13604/nguyen-tri-phuong-vi-tong-djoc-quyet-liet-chong-phap-giu-thanh-ha-noi.html